Hướng dẫn quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Ngày đăng: 09-01-2025

10 lượt xem

UBND TỈNH NINH BÌNH

SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Số: ... /HD-STNMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ninh Bình, ngày 27 tháng 9 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Căn cứ Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;

Căn cứ Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 17/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu;

Căn cứ Quyết định số 592/QĐ-UB ngày 29/12/2021 của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;

Căn cứ Công văn số 158/UB ngày 09/4/2021 của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;

Căn cứ Công văn số 435/UBND-VP3 ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc triển khai Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, như sau:

I.NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1.Phạm vi điều chỉnh

Hướng dẫn quy trình lập, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

2.Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài (gọi chung là cơ sở) có hoạt động về khai thác, kinh doanh, chế biến, vận chuyển, chuyển tải, kho chứa, tập kết, trung chuyển, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, UBND cấp huyện và thực hiện các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

3.Thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

  1. Cấp tỉnh: UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu do UBND cấp huyện và các cảng, cơ sở, dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lập (có tổng quy mô dung tích chứa dầu hoặc các sản phẩm dầu trên 20 m3), trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Bộ giao thông vận tải.
  2. Cấp cơ sở: UBND cấp huyện phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển (có tổng quy mô dung tích chứa dầu hoặc các sản phẩm dầu dưới 20 m3).

4.Cơ quan trình phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

  1. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, tổng hợp, báo cáo, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh.
  2. Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu, tổng hợp, báo cáo, trình UBND cấp huyện phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện.

II.LẬP KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

1.Đối tượng lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

  1. UBND cấp huyện lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cấp huyện trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
  2. Cơ sở có hoạt động về khai thác, kinh doanh, chế biến, vận chuyển, chuyển tải, kho chứa, tập kết, trung chuyển, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu tự lập hoặc thuê đơn vị tư vấn lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
  3. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình UBND cấp huyện hoặc cơ quan chủ quản (trường hợp không thuộc UBND cấp huyện quản lý) để thẩm định, phê duyệt. Kế hoạch được thông báo tới UBND cấp huyện để phối hợp thực hiện.

2.Th​ời điểm lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

  • UBND cấp huyện lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định tại quyết định số 12/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
  • Các dự án mới lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cùng thời điểm thực hiện thủ tục pháp lý về môi trường ( báo cáo ĐTM, giấy phép môi trường,…).
  • Các cơ sở đã đi vào hoạt động nhưng không có quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trong thời hạn không quá 01 (một) năm kể từ ngày Ban hành hướng dẫn lập, thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.Nội dung cơ bản của Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

  • Nêu rõ mục đích, yêu cầu của Kế hoạch.
  • Đánh giá cụ thể tình hình của cơ sở: Đặc điểm điều kiện tự nhiên, tính chất, quy mô, công nghệ liên quan đến dầu và các sản phẩm dầu; đặc điểm kiến trúc của cơ sở; tính chất nguy hiểm về cháy, nổ, độc; Khu vực tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu, mức độ tràn dầu cũng như khả năng tác động và phạm vi ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu; Nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu: Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất ứng phó…
  • Tổ chức lực lượng phương tiện ứng phó: Tư tưởng chỉ đạo; Nguyên tắc ứng phó; Quy trình biện pháp ứng phó; Tổ chức sử dụng lực lượng ứng phó; Hoạt động khắc phục và giải quyết hậu quả sau sự cố tràn dầu.
  • Dự kiến tình huống giả định xảy ra sự cố tràn dầu tại cơ sở và biện pháp xử lý tình huống.
  • Xác định nhiệm vụ trong ứng phó sự cố tràn dầu: Lãnh đạo chỉ huy,lực lượng tiếp nhận cấp phát; lực lượng tuần tra canh gác; bảo vệ; các bộ phận khác; sự phối hợp của các cơ quan ban ngành và các tổ chức đoàn thể, xã hội tại địa phương; công tác cập nhật triển khai, báo cáo.
  • Công tác bảo đảm, tổ chức chỉ huy (thông tin liên lạc, trang thiết bị, vật chất, y tế, kế hoạch đào tạo, tập huấn, diễn tập…).

(Đề cương lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo Phụ lục II kèm theo Hướng dẫn này).

III.TRÌNH TỰ THẨM ĐỊNH, TRÌNH PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG THUỘC THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT CỦA UBND CẤP HUYỆN

1.Cơ quan thẩm định

Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì tiếp nhận hồ sơ, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

2.H​ồ sơ thẩm định

a. Hồ sơ gồm:

  • Văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính).
  • Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (05 bản chính).

b. Cách thức thực hiện: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức khác phù hợp đến Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.

3.Nội​ dung thẩm định

  1. Cơ sở pháp lý của Kế hoạch.
  2. Tính chính xác của Kế hoạch.
  3. Tính khả thi của Kế hoạch.

4.Hìn​h thức thẩm định

Phòng Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến của các đơn vị liên quan, các chuyên gia lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu đối với kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở và kiểm tra thực tế (nếu thấy cần thiết); lập biên bản thẩm định hoặc thành lập hội đồng thẩm định.

5.Tr​ình tự, thủ tục thẩm định

a. Tiếp nhận hồ sơ

Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và tiến hành rà soát thành phần hồ sơ.

  • Trường hợp thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì có ý kiến và hướng dẫn cho cơ sở ngay khi tiếp nhận hồ sơ.
  • Trường hợp thành phần hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tổ chức thẩm định.

b. Thẩm định hồ sơ

  • Trình tự thẩm định:

Xin ý kiến thẩm định của các đơn vị liên quan thuộc UBND cấp huyện, gồm: Công thương/Kinh tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH; Đồn Biên phòng Kim Sơn, Hải đội 2/BĐBP tỉnh (đối với khu vực biên giới biển huyện Kim Sơn); UBND xã/phường/thị trấn nơi cơ sở hoạt động; các chuyên gia lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu và kiểm tra thực tế để kiểm chứng các thông tin, số liệu được trình bày trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở (nếu thấy cần thiết); lập biên bản thẩm định nếu thẩm định trực tiếp tại cơ sở hoặc thành lập Hội đồng thẩm định.

Trường hợp Kế hoạch được thẩm định thông qua nhưng có chỉnh sửa, bổ sung thì Phòng Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản đề nghị chủ cơ sở chỉnh sửa Kế hoạch. Trường hợp Kế hoạch được thẩm định thông qua, không phải chỉnh sửa thì Phòng Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ trình UBND cấp huyện phê duyệt Kế hoạch.

c. Thời gian thẩm định, phê duyệt Kế hoạch:

Trong thời gian 15 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

Thời gian thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở không tính thời gian chủ cơ sở chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến thẩm định của Phòng Tài nguyên và Môi trường.

6. Hội đồng thẩm định (trường hợp phải lập Hội đồng thẩm định)

a. Thành phần Hội đồng thẩm định

  • UBND cấp huyện ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cấp huyện.
  • Thành phần khung của Hội đồng thẩm định cấp huyện như sau:

Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong trường hợp cần thiết có thể có thêm 01 (một) Phó Chủ tịch Hội đồng (có thể là lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường) giúp Chủ tịch Hội đồng thực hiện các phần việc liên quan.

Các thành viên Hội có thể gồm đại diện Lãnh đạo của các đơn vị: Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, Công an huyện; các Phòng, ban, ngành cấp huyện (Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng, Quản lý đô thị, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…) và UBND xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động.

Thư ký Hội đồng: Chuyên viên thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định có thể mời thêm các chuyên gia chuyên ngành cùng tham dự, tư vấn.

b. Phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định

Đối với trường hợp họp Hội đồng thẩm định:

Cuộc họp thẩm định chỉ được tiến hành trong trường hợp có mặt ít nhất 2/3 (hai phần ba) số lượng thành viên Hội đồng thẩm định tham dự. Trong đó bắt buộc phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (trong trường hợp được Chủ tịch Hội đồng thẩm định ủy quyền), Ủy viên thư ký, Chủ cơ sở hoặc người đại diện được Chủ cơ sở ủy quyền tham dự. Trường hợp thành viên Hội đồng không thể tham gia cuộc họp thẩm định nhưng có ý kiến của mình bằng văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng trước khi cuộc họp bắt đầu thì được tính là có mặt tham dự.

Tài liệu phục vụ cho cuộc họp của Hội đồng thẩm định phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu gửi đến các thành viên Hội đồng thẩm định chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc, trước ngày tổ chức cuộc họp.

Thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá về nội dung của Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và các vấn đề khác có liên quan đến nội dung Kế hoạch. Người chủ trì phiên họp đưa ra kết luận của Hội đồng thẩm định nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo 01 (một) trong 03 (ba) mức sau: (1) Thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung: Khi tất cả thành viên Hội đồng thẩm định tham dự đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung. (2) Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: Khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng tham dự đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung. (3) Không thông qua: Khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên Hội đồng tham dự không đồng ý thông qua.

Thư ký Hội đồng thẩm định có trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp. Biên bản cuộc họp phải được Chủ tịch và Thư ký Hội đồng thẩm định ký.

Đối với trường hợp không họp Hội đồng thẩm định:

Trong trường hợp bất khả kháng không tổ chức được cuộc họp Hội đồng thẩm định, Chủ tịch Hội đồng thẩm định xin ý kiến bằng văn bản các thành viên Hội đồng.

Thành viên Hội đồng thẩm định nhận xét nội dung của Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và những vấn đề khác có liên quan đến nội dung Kế hoạch.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định kết luận (khi có ít nhất 2/3 ý kiến số lượng thành viên Hội đồng thẩm định) nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo 01 (một) trong 03 (ba) mức sau: (1) Thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung: Khi tất cả thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung. (2) Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: Khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung. (3) Không thông qua: Khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên Hội đồng không đồng ý thông qua.

Thư ký Hội đồng thẩm định có trách nhiệm lập biên bản tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Biên bản phải được Chủ tịch và Thư ký Hội đồng thẩm định ký.

7.Hồ sơ trình phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

  • Tờ trình của Phòng Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND cấp huyện phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính);
  • Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính);
  • Văn bản tổng hợp ý kiến thẩm định (01 bản chính, nếu có);
  • Biên bản thẩm định hồ sơ (01 bản chính);
  • Văn bản tiếp thu, chỉnh sửa và đề nghị phê duyệt của cơ sở sau khi chỉnh sửa kế hoạch theo ý kiến thẩm định (01 bản chính, nếu phải chỉnh sửa);
  • Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở đã được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo ý kiến thẩm định kèm theo văn bản đề nghị thẩm định phê duyệt của cơ sở (03 bản chính).

8.Trả kết quả

Phòng Tài nguyên và Môi trường lưu hồ sơ và trả kết quả Quyết định phê duyệt kèm theo 01 bản Kế hoạch đã được phê duyệt của UBND cấp huyện cho chủ cơ sở.

IV.TRÌNH TỰ THẨM ĐỊNH KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG THUỘC THẨM QUYỀN CỦA UBND TỈNH

1.Cơ quan thẩm định

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì tiếp nhận hồ sơ, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2.Hồ sơ thẩm định

a.Hồ sơ gồm:

  • Văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính).
  • Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (09 bản chính).

b. Cách thức thực hiện:

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình.

3.Nội dung thẩm định

  1. Cơ sở pháp lý của Kế hoạch.
  2. Tính chính xác của Kế hoạch.
  3. Tính khả thi của Kế hoạch.

4.Hìn​h thức thẩm định

  • Lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan, trường hợp cần thiết lấy ý kiến của chuyên gia lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu.
  • Tổ chức hội đồng thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế (nếu thấy cần thiết).

5.​Trình tự, thủ tục thẩm định

a. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và tiến hành rà soát thành phần hồ sơ.

  • Trường hợp thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì có ý kiến và hướng dẫn cho đơn vị, cơ sở ngay khi tiếp nhận hồ sơ.
  • Trường hợp thành phần hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tổ chức thẩm định.

b. Trình tự thẩm định

  • Xin ý kiến thẩm định bằng văn bản của các sở, ngành, địa phương có liên quan, gồm: Sở Công thương; Giao thông Vận tải; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công an tỉnh; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với vùng biển huyện Kim Sơn); UBND cấp huyện, xã nơi cơ sở hoạt động; Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh (nếu cơ sở hoạt động nằm trong các khu công nghiệp); trong trường hợp cần thiết, xin ý kiến của chuyên gia lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu.
  • Đối với Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của UBND cấp tỉnh có thể xem xét thành lập Hội đồng thẩm định và mời đại diện Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chuyên gia lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu tham gia Hội đồng thẩm định.
  • Tổ chức kiểm tra các thông tin, số liệu được trình bày trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, kiểm tra thực tế (nếu thấy cần thiết).
  • Trường hợp Kế hoạch được Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi tổng hợp các ý kiến nhận xét, góp ý hoặc Hội đồng thẩm định thông qua nhưng có chỉnh sửa, bổ sung thì đề nghị cơ sở chỉnh sửa, bổ sung Kế hoạch; trường hợp Kế hoạch được thẩm định thông qua, không phải chỉnh sửa, bổ sung thì lập hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch.

c. Thời gian thẩm định, trình phê duyệt Kế hoạch

  • Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch của cơ sở), Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch.
  • Thời gian thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của đơn vị, cơ sở không tính thời gian phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ Kế hoạch theo ý kiến thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường (hoặc hội đồng thẩm định).

6. Hội đồng thẩm định (trường hợp phải thành lập Hội đồng thẩm định)

a. Thành phần Hội đồng

  • Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Trường hợp UBND tỉnh ủy quyền, Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cấp tỉnh.
  • Thành phần khung của Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, như sau:

Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong trường hợp cần thiết có thể có thêm 01 (một) Phó Chủ tịch Hội đồng (Lãnh đạo Chi cục Môi trường và Biển, đảo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) giúp Chủ tịch Hội đồng thực hiện các phần việc liên quan.

Các thành viên Hội đồng là đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Chi cục Môi trường và Biển, đảo Ninh Bình, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Công an tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng,…), Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc (nếu cần thiết), Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cơ sở hoạt động.

Thư ký Hội đồng: Chuyên viên thuộc Chi cục Môi trường và biển, đảo.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định có thể mời thêm các chuyên gia chuyên ngành cùng tham dự, tư vấn.

b. Phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định

  • Đối với trường hợp họp Hội đồng thẩm định:

Cuộc họp thẩm định chỉ được tiến hành trong trường hợp có mặt ít nhất 2/3 (hai phần ba) số lượng thành viên Hội đồng thẩm định tham dự. Trong đó bắt buộc phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng trong trường hợp được Chủ tịch Hội đồng thẩm định ủy quyền, Ủy viên thư ký, Chủ cơ sở hoặc người đại diện được chủ cơ sở ủy quyền tham dự. Trường hợp thành viên Hội đồng không thể tham gia cuộc họp thẩm định nhưng có ý kiến của mình bằng văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng trước khi cuộc họp bắt đầu thì được tính là có mặt tham dự.

Tài liệu phục vụ cho cuộc họp của Hội đồng thẩm định phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu gửi đến các thành viên Hội đồng thẩm định chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc, trước ngày tổ chức cuộc họp.

Thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá về nội dung của Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và các vấn đề khác có liên quan đến nội dung Kế hoạch. Người chủ trì phiên họp đưa ra kết luận của Hội đồng thẩm định nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo 01 (một) trong 03 (ba) mức sau: (1) Thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung: Khi tất cả thành viên Hội đồng thẩm định tham dự đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung. (2) Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: Khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng tham dự đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung. (3) Không thông qua: Khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên Hội đồng tham dự không đồng ý thông qua.

Thư ký Hội đồng thẩm định có trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp. Biên bản cuộc họp phải được Chủ tịch và Thư ký Hội đồng thẩm định ký.

Đối với trường hợp không họp Hội đồng thẩm định:

Trong trường hợp bất khả kháng không tổ chức được cuộc họp Hội đồng thẩm định, Chủ tịch Hội đồng thẩm định xin ý kiến bằng văn bản các thành viên Hội đồng.

Thành viên Hội đồng thẩm định nhận xét nội dung của Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và những vấn đề khác có liên quan đến nội dung Kế hoạch. Chủ tịch Hội đồng thẩm định kết luận (khi có ít nhất 2/3 ý kiến số lượng thành viên Hội đồng thẩm định) nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo 01 (một) trong 03 (ba) mức sau: (1) Thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung: Khi tất cả thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung.

(2) Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: Khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung. (3) Không thông qua: Khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên Hội đồng không đồng ý thông qua.

Thư ký Hội đồng thẩm định có trách nhiệm lập biên bản tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Biên bản phải được Chủ tịch và Thư ký Hội đồng thẩm định ký.

7.Hồ sơ trình phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

  • Tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính);
  • Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính);
  • Văn bản tổng hợp ý kiến thẩm định (01 bản chính);
  • Biên bản thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế (01 bản chính);
  • Văn bản tiếp thu, chỉnh sửa và đề nghị phê duyệt của cơ sở (01 bản chính) nếu phải chỉnh sửa;
  • Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở đã được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường kèm theo văn bản đề nghị phê duyệt của cơ sở (05 bản chính).

8.T​rả kết quả

Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận vào Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của đơn vị, cơ sở, lưu hồ sơ và trả kết quả là Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh và 01 bản Kế hoạch đã được ký xác nhận.

V.ĐIỀU CHỈNH, CẬP NHẬT VÀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

  • Chủ cơ sở phải thường xuyên rà soát để kịp thời điều chỉnh, cập nhật Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu nhằm nâng cao hiệu quả chuẩn bị, sẵn sàng và kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu khi xảy ra ở đơn vị mình quản lý.
  • Trường hợp có sự thay đổi các điều kiện dẫn đến thay đổi nội dung kế hoạch thì phải cập nhật bổ sung và cập nhật định kỳ hàng năm (thay đổi về quy mô hoạt động, quy trình công nghệ, loại hình sản xuất kinh doanh; thay đổi về phương án trang thiết bị ứng phó, phương án phối hợp với các đơn vị có liên quan hoặc hợp đồng thuê dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu; thay đổi quy trình ứng phó và nội dung diễn tập ứng phó định kỳ…).
  • Khi có những thay đổi lớn làm tăng quy mô sức chứa vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong kế hoạch thì phải lập lại kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các nội dung được cập nhật, điều chỉnh trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Tài nguyên và Môi trường) theo thẩm quyền phê duyệt và thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện.
  • Cơ sở chỉ được phép đi vào hoạt động khi bản kế hoạch sửa đổi, bổ sung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên đây là hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường về trình tự lập, thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Các nội dung khác thực hiện theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 158/UB ngày 09/4/2021 của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Quyết định số 592/QĐ-UB ngày 29/12/2021 của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc ban hành Kế hoạch Ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Ninh Bình. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Sở Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, hướng dẫn./.

>>> XEM THÊM: Dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân vi sinh

Liên hệ tư vấn:

CÔNG TY CP TV ĐẦU TƯ VÀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG

Địa chỉ: Số 28 B Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Q 1, TPHCM

Chi nhánh: 2.14 Chung cư B1,số 2 Trường Sa, P 17, Q Bình Thạnh, TPHCM

ĐT: (028) 35146426 - (028) 22142126  – Fax: (028) 39118579 - Hotline 090 3649782

Website: www.khoanngam.com;  www.lapduan.com; www.minhphuongcorp.net;

Email: nguyenthanhmp156@gmail.comthanhnv93@yahoo.com.vn

minhphuong corp

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

HOTLINE


HOTLINE:

0903649782 - 028 35146426 

 

CHÍNH SÁCH CHUNG

Chuyên gia tư vấn cho các
dịch vụ lập dự án, môi trường
Chính sách  giá phù hợp nhất
Cam kết chất lượng sản phẩm