Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 với diện tích 4.278 ha và rừng đặc dụng với diện tích 278 ha.
Ngày đăng: 20-11-2024
10 lượt xem
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013;
Căn cứ Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/06/2017;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008 và Luật Đa dạng sinh học hợp nhất số 32/VBHN được Quốc hội thông qua ngày 10/12/2018,
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14 ngày ngày 17/11/2020; Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030";
Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 14/4/2021 của Chính Phủ về việc Phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc phê duyệt Phương án quản lý bền vững rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển Bạc Liêu giai đoạn năm 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 526/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Bạc Liêu năm 2022;
Căn cứ Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 15/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 374/TTr-SNN ngày 21 tháng 9 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 với các nội dung sau:
1. Tên Đề án: Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
2. Tên đơn vị chủ rừng: Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu (chủ đầu tư Đề án).
3. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
4. Phạm vi thực hiện Đề án: Rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu với diện tích 4.278 ha và rừng đặc dụng với diện tích 278 ha.
5. Mục tiêu thực hiện Đề án:
Đề án là nền tảng, giúp định hướng và xây dựng rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển Bạc Liêu trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc độc đáo riêng của đất và người Bạc Liêu.
Khi đi vào hoạt động, đề án sẽ tạo ra nguồn thu bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý rừng cũng như góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.
Thúc đẩy, tạo cơ chế tăng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước để góp phần tạo bước đệm cho Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển từng bước thực hiện phương án tự chủ thông qua cơ chế cho thuê môi trường rừng. Khi đi vào thực hiện Đề án cũng góp phần tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước để tạo nguồn lực cho việc phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ rừng theo hướng bền vững.
6. Các điểm tham quan và định hướng phát triển các tuyến du lịch:
6.1. Các điểm tham quan:
- Điểm 1: Cánh đồng điện gió Bạc Liêu.
- Điểm 2: Khu rừng phòng hộ thành phố Bạc Liêu.
- Điểm 3: Vườn chim Bạc Liêu.
- Điểm 4: Khu trang trại tôm sinh thái Hòa Bình.
- Điểm 5: Cánh đồng điện gió Hòa Bình.
- Điểm 6: Khu nuôi trồng hải sản Hòa Bình.
- Điểm 7: Cánh đồng điện gió Đông Hải.
- Điểm 8: Vườn chim Canh Điền.
6.2. Định hướng phát triển các tuyến du lịch:
6.2.1 Tuyến du lịch nội vùng:
- Tuyến số 1: Tuyến Vườn chim Bạc Liêu.
- Tuyến số 2: Tuyến ven biển thành phố Bạc Liêu.
- Tuyến số 3: Tuyến ven biển Hòa Bình.
- Tuyến số 4: Tuyến ven biển Đông Hải.
- Tuyến số 5: Tuyến Vườn chim Canh Điền.
6.2.2. Tuyến du lịch liên vùng:
- Tuyến liên vùng 1 (nội ô thành phố Bạc Liêu): Vườn chim Bạc Liêu Khu lưu niệm Cao Văn Lầu - Chùa Ông Quan Đế - Nhà Công tử Bạc Liêu - Khu Shophouse chợ đêm thành phố Bạc Liêu - Nhà hát Cao Văn Lầu - Quảng trường Hùng Vương - Điểm du lịch cộng đồng tại vùng đệm (02 ngày 01 đêm).
- Tuyến liên vùng 2 (ven biển thành phố Bạc Liêu): Vườn Nhãn cổ - Cây Xoài cổ hơn 300 năm tuổi - Chùa Xiêm Cán - Cánh đồng điện gió Bạc Liêu Khu rừng phòng hộ thành phố Bạc Liêu - Khu du lịch Nhà Mát - Khu Quán âm Phật đài (01 ngày 01 đêm).
- Tuyến liên vùng 3 (ven biển huyện Hòa Bình): Cảng Cái Cùng - Hợp tác xã Đồng Tiến - Lăng Ông Duyên Hải - Cánh đồng Muối Vĩnh Thịnh - Khu nuôi trồng hải sản Hòa Bình - Cánh đồng Điện gió Hòa Bình 1 - Khu trang trại tôm sinh thái Hòa Bình - Khu Quán âm Phật đài (02 ngày 01 đêm).
- Tuyến liên vùng 4 (ven biển huyện Đông Hải): Cánh đồng Điện gió Đông Hải - Làng nghề làm muối - Chùa Linh Ứng - Lăng Ông Nam Hải - Đê biển Gành Hào - Cảng Cá Gành Hào - Vườn chim Canh Điền - Vườn chim Lập Điền - Nhà thờ Tắc Sậy (02 ngày 01 đêm).
6.3. Địa điểm thực hiện, quy mô xây dựng các công trình phục vụ du lịch (chi tiết theo phụ lục đính kèm).
Mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc cảnh quan, đảm bảo gần gũi với thiên nhiên, gìn giữ được bản sắc văn hóa; hạn chế tối đa việc phá vỡ cảnh quan hay bê tông hóa các công trình giao thông, xây dựng; đồng thời chấp hành nghiêm túc, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ và các quy định của pháp luật khác liên quan “không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường”. Đối với rừng đặc dụng, chiều cao tối đa của công trình nghỉ dưỡng không quá 12 m.
7. Các dòng sản phẩm, loại hình du lịch:
7.1. Phát triển các loại hình du lịch:
- Du lịch sinh thái: Đây là loại hình du lịch trọng tâm và xuyên suốt quá trình phát triển du lịch. Các loại tài nguyên du lịch sinh thái của Khu bảo tồn loài sinh cảnh sẽ được tiếp cận và sử dụng một cách hợp lý để phục vụ phát triển du lịch sinh thái bao gồm: Các giá trị về cảnh quan (cảnh quan rừng ven biển), các giá trị về đa dạng sinh học (các cây gỗ lớn, các loài chim quý hiếm, ...), khí hậu và thủy văn (khí hậu trong lành, mát mẻ), các giá trị về văn hoá - lịch sử (văn hoá bản địa, di tích lịch sử...).
Du lịch nghỉ dưỡng: Những điều kiện thuận lợi về hệ sinh thái tự nhiên, thủy văn và khí hậu cho thấy có nhiều tiềm năng để khai thác loại hình này các yếu tố về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, áp lực trong công việc và cuộc sống là những yếu tố thúc đẩy loại hình du lịch này trở thành nhu cầu cần thiết cho mỗi tổ chức, cá nhân.
- Du lịch giải trí: Các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng dọc theo tuyến đê biển có đầy đủ yếu tố tổ chức loại hình du lịch này. Tại đây sẽ được tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động giải trí gắn với cuộc sống của người dân như: Câu cá, bắt cua,... loại hình này sẽ tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ nhận khoán, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ thiên nhiên và gìn giữ truyền thống văn hóa. Đồng thời, kéo theo những loại hình, sản phẩm du lịch khác phát triển theo hướng bền vững.
7.2. Dịch vụ du lịch:
- Sản phẩm du lịch sinh thái: Với đặc thù riêng sản phẩm này là khai thác các giá trị tự nhiên của cảnh quan và đa dạng sinh học. Khu bảo tồn sẽ chú trọng khai thác tại một số điểm tiềm năng như khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và hai Khu bảo tồn loài sinh cảnh vườn chim các sản phẩm cụ thể như: Đi bộ và khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển gắn với giáo dục môi trường; khám phá các loài chim gắn liền với giáo dục môi trường. Đối tượng hướng tới là khách du lịch phổ thông yêu thích thiên nhiên.
- Sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa địa phương: Nhóm sản phẩm này sẽ diễn ra chủ yếu ở các hộ nhận khoán rừng phòng hộ ven biển. Du khách sẽ được sinh hoạt cùng cộng đồng và tham gia vào một số hoạt động trải nghiệm đánh bắt thủy hải sản hàng ngày của người dân. Đối tượng hướng tới là khách du lịch phổ thông ưa thích tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương
- Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe: Rừng ven biển Bạc Liêu với những điều kiện thuận lợi về khí hậu và văn hóa cho thấy tiềm năng rất lớn để khai thác loại hình này. Trong đó, điều kiện khí hậu ven biển mang lại lợi thế hình thành nên các điểm nghỉ dưỡng ấn tượng. Đối tượng hướng tới là khách du lịch phổ thông và khách du lịch cao cấp.
- Sản phẩm du lịch nông nghiệp: Khu vực vùng các hộ nhận khoán rừng phòng hộ ven biển đều có tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn đối với các du khách. Tự mình thu hoạch các sản phẩm từ đây sẽ để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Đối tượng hướng tới là khách du lịch phổ thông ưa thích tìm hiểu, trải nghiệm du lịch nông nghiệp.
- Sản phẩm du lịch khám phá kết hợp học tập, nghiên cứu: Tập trung khai thác sản phẩm này tại 2 khu bảo tồn loài và sinh cảnh vườn chim Bạc Liêu và Canh Điền. Các hoạt động học tập, nghiên cứu chuyên đề liên quan đến nghiên cứu các loài động, thực vật mà đặc sắc là các loài chim. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ phù hợp một lượng khách nhỏ khách du lịch gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu/nghiên cứu sinh có nhu cầu nhằm hạn chế ảnh hưởng tới hệ sinh thái vườn chim.
- Sản phẩm du lịch thể thao: Tổ chức các hoạt động du lịch kết hợp với một số cuộc thi thể thao nhằm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm như: Cuộc thi chạy bộ xuyên rừng, cuộc thi đạp xe, cuộc thi chèo thuyền ba lá.
- Sản phẩm du lịch ẩm thực: Các sản phẩm ẩm thực tươi ngon đặc sắc với giá cả hợp lý được chế biến theo phong cách Nam Bộ sẽ là điểm nhấn khó quên với mỗi du khách. Không chỉ được thưởng thức du khách còn có thể mua một số sản phẩm đóng kiện làm quà cho người thân.
- Các Sản phẩm du lịch khác: Bên cạnh các nhóm sản phẩm chính nêu trên, các dịch vụ du lịch khác cũng sẽ được phát triển để bổ trợ cho các sản phẩm chính, giúp đa dạng các hoạt động và tăng sự trải nghiệm cho du khách, đặc biệt là khách du lịch phổ thông. Các sản phẩm du lịch khác bao gồm: Dịch vụ hội nghị, hội thảo, hướng dẫn viên, cho thuê trang thiết bị dã ngoại (xe đạp, lều, trại, bếp,...) và dịch vụ chụp ảnh,...
8. Hiệu quả của đề án:
8.1. Hiệu quả kinh tế đến năm 2030:
- Phấn đấu sẽ đạt 500 triệu đồng/năm nguồn thu từ cho thuê môi trường rừng để tăng tỷ lệ tự chủ tài chính và phục vụ trực tiếp cho các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
- Phấn đấu sẽ thu hút được tối thiểu 6 nhà đầu tư là tổ chức thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; có ít nhất 150 hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng tham gia du lịch cộng đồng trong rừng phòng hộ.
- Thu hút du khách đạt tối thiểu 02 triệu lượt/năm khách, tổng doanh thu du lịch đạt 3.000 tỷ đồng.
8.2. Hiệu quả văn hóa xã hội:
Các nhà đầu tư thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái đều cam kết sẽ thu hút, tuyển dụng người dân địa phương tham gia các công việc của họ, có thể sẽ đào tạo nghề cho lao động địa phương để làm việc lâu dài. Việc thu hút được nguồn lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân và giảm áp lực phụ thuộc vào rừng
- Tạo việc làm và thu nhập cho trên 3.000 người (kể cả trực tiếp và gián tiếp).
- Khi du lịch phát triển, ngoài ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên sẽ góp phần tôn tạo ý nghĩa lịch sử, văn hóa của vùng đất Bạc Liêu giàu truyền thống cách mạng, nghĩa tình; con người Bạc Liêu có tính phóng khoáng, hào hiệp, nhân hậu, thủy chung.
8.3. Hiệu quả bảo vệ môi trường:
- Các hoạt động du lịch sinh thái do Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tự thực hiện góp phần tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kiến thức, sự nhận thức và ý thức về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái biển cho khách du lịch.
- Nhà đầu tư thuê môi trường rừng sẽ góp phần cùng với Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biến thực hiện công việc bảo vệ rừng và tài nguyên đa dạng sinh học.
9. Danh mục địa điểm phát triển du lịch sinh thái ưu tiên đầu tư, khái toán đầu tư, nguồn vốn, phân kỳ đầu tư:
9.1. Khái toán đầu tư, nguồn vốn, phân kỳ đầu tư:
Tổng mức khái toán đầu tư phát triển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu thực hiện theo hình thức cho thuê môi trường rừng trong giai đoạn 2023 - 2030 là 520.000 triệu đồng, trong đó:
Phân theo giai đoạn từ nguồn vốn xã hội hóa (cụ thể theo bảng sau):
ĐVT: Triệu đồng
- Phân theo nguồn vốn (cụ thể theo bảng sau):
9.2. Danh mục các địa điểm ưu tiên:
Căn cứ tiềm năng phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng hiện có, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu xác định các điểm, tuyến du lịch được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2025, cụ thể theo bảng sau:
ĐVT: Triệu đồng
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển (Chủ rừng) tổ chức triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành; thực hiện hướng dẫn theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát Chủ rừng thực hiện các hoạt động khai thác, kêu gọi các Nhà đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và đàm bảo đúng quy định hiện hành. Đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện đối với tính chính xác của các nội dung, số liệu thể hiện trong Đề án nêu trên theo đúng quy định.
2. Giao các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện Hòa Bình, Đông Hải và thành phố Bạc Liêu theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình tích cực phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển (Chủ rừng) hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia thực hiện các dự án trong Đề án nêu trên theo đúng quy định; chủ động xử lý các nội dung công việc có liên quan theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện Hòa Bình, Đông Hải, thành phố Bạc Liêu; Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký...
Phụ lục: Quy mô diện tích, quy mô xây dựng các điểm du lịch thuộc Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển
(Ban hành kèm theo Quyết định số 401 /QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh Bạc Liêu)
>>> XEM THÊM: Lập Dự án trồng rừng kết hợp khu du lịch sinh thái dưới tán rừng
Liên hệ tư vấn:
|
Gửi bình luận của bạn