Quản lý rủi ro trong dự án đầu tư xây dựng công trình

Quản lý rủi ro trong dự án đầu tư xây dựng công trình

Ngày đăng: 10-11-2016

10,165 lượt xem

Quản lý rủi ro trong dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hơn cùng với sự chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, các dự án đầu tư xây dựng công trình chịu ảnh hưởng nhiều hơn tác động không ổn định từ môi trường xung quanh và ngay trong quá trình thực hiện dự án. Nhìn nhận, đánh giá và chủ động quản lý ảnh hưởng của các tác động này đảm bảo sự thành công của dự án. Vấn đề này đã được nhiều nước phát triển nghiên cứu và giải quyết thành công trong thực tiễn. Dự án đầu tư xây dựng công trình được triển khai nhằm mục đích thực hiện mục tiêu đầu tư, phát triển, tạo cơ sở vật chất cho xã hội, do vậy thường có thời gian hoạt động dài, chịu tác động trực tiếp từ nhiều môi trường xung quanh như chính trị, kinh tế, xã hội, tự nhiên, luật pháp, công nghệ… Vì vậy những điều chỉnh trong quá trình thực hiện, quản lý dự án là một thực tế. Những năm qua, đầu tư phát triển ở nước ta không ngừng tăng nhanh cả về quy mô, lĩnh vực với sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội. Tuy nhiên, việc nhận dạng, đánh giá, kiểm soát nhằm hạn chế tác động xâú từ các ảnh hưởng nêu trên tới dự án chưa được chúng ta chú trọng, còn đối phó bị động. Thực tế đã phản ánh qua một số dự án đầu tư sản xuất mía đường, xây dựng hệ thống cảng biển, các khu chợ đầu mối…Chính các tác động không ổn từ môi trường xung quanh và điều chỉnh từ nội tại dự án dẫn tới phải thay đổi nhiều tiêu chí cơ bản được dự tính ban đầu và làm thay đổi hiệu quả đầu tư của dự án. Đó chính là sự tồn tại của rủi ro đối với dự án. Rủi ro xuất hiện khi tồn tại đồng thời hai yếu tố cơ bản: yếu tố gây ra rủi ro và đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng.  Sớm chủ động nhận dạng, phân tích, đánh giá, có biện pháp kiểm soát và giảm thiẻu các tác động xuấy của rủi ro là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo khả thi, hiệu quả của dự án. Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn luật được ban hành trong thời gian qua đã xác lập hành lang pháp lý quan trọng tạo điều kiện phát triển bền vững các hoạt động xây dựng ở nước ta và đưa ra các yêu cầu của pháp luật nhằm quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đạt hiệu quả. Tại khoản 6, điều 1, Nghị định của Chính phủ số 112/2006/NĐ - CP, ngày 29/9/2006 đã quy định rõ nội dung thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình của người quyết định đầu tư trước khi phê duyệt dự án là:

- Xem xét các yếu tố bảo đảm tính hiệu quả của dự án bao gồm: sự cần thiết đầu tư, quy mô công suất, công nghệ; thời gian, tiến độ thực hiện dự án; phân tích tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

- Xem xét các yếu tố bảo đảm tính khả thi của dự án bao gồm: sự phù hợp với quy hoạch; nhu cầu sử dụng đất, tài nguyên (nếu có); khả năng giải phóng mặt bằng, khả năng huy động vốn đáp ứng tiến độ của dự án; kinh nghiệm quản lý của chủ đầu tư; kết quả thẩm định thiết kế cơ sở; khả năng hoàn trả vốn vay; giải pháp phòng chống cháy nổ; các yếu tố ảnh hưởng đến dự án như quốc phòng, an ninh, môi trường trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, theo các quy định hiện hành của Nhà nước, việc xem xét và khẳng định tính khả thi, hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình phải được làm rõ về nhiều mặt trong suốt thời gian phân tích hoạt động của dự án (vòng đời của dự án) trước khi ra quyết định đầu tư thực hiện dự án. Trong số nhiều vấn đề của dự án được xem xét sẽ diễn ra ở tương lai và trong điều kiện các tác động không ổn như: thời gian, tài chính, hiệu quả kinh tế…thì yêu cầu cần phân tích rủi ro khi lập và thẩm định dự án là hết sức cần thiết. Tuỳ thuộc vào mục tiêu đầu tư, chức năng phục vụ, các dự án đầu tư xây dựng công trình có thể thuộc một trong hai nhóm dự án: nhóm các dự án nhằm mục đích phục vụ cộng đồng xã hội (phục vụ công) không thu lợi nhuận và nhóm dự án với mục đích sản xuất kinh doanh nhằm thu lợi nhuận. Theo đó các tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư ở mỗi nhóm dự án cũng có những điểm khác biệt nhau. Các dự án, trước hết phải đảm bảo các yêu cầu về phát triển xã hội, quy hoạch, pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định thì vấn đề hiệu quả kinh tế - tài chính của dự án có ý nghĩa quyết định hiệu quả đầu tư của dự án. Với các dự án phục vụ công, hiệu quả kinh tế - tài chính cần đạt tới là chi phí thấp nhất của dự án trong cả vòng đời; đối với dự án sản xuất kinh doanh là thu được lợi nhuận cao nhất. Rủi ro xuất hiện thường xuyên gây thiệt hại cho hiệu quả đầu tư của dự án. Vấn đề đặt ra để chúng ta nghiên cứu, giải quyết là nhận dạng, đánh giá tác động của rủi ro, kiểm soát chúng để đảm bảo hiệu quả đầu tư đã xác định trước của dự án.

2. Một số vấn đề về quản lý rủi ro dự án đầu tư xây dựng công trình

Kinh nghiệm và thực tế của các nước cho thấy các vấn  đề nêu trên có thể giải quyết được bằng hệ thống quản lý rủi ro trong quá trình quản lý dự án. Để quản lý rủi ro các dự án đầu tư xây dựng công trình, cần thực hiện một số vấn đề sau:

- Thứ nhất, trong toàn bộ vòng đời dự án (chuẩn bị dự án, thực hiện đầu tư xây dựng và các năm khai thác sử dụng dự án) cần nhận dạng đủ rủi ro do môi trường bên ngoài và nội tại dự án phù hợp với thực tế. Mỗi giai đoạn triển khai dự án các rủi ro xảy ra cũng rất khác nhau. Từng môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, các rủi ro có ảnh hưởng lẫn nhau cả trong và ngoài dự án, rủi ro thay đổi theo thời gian. Do vậy việc nhận dạng rủi ro cần thực hiện, cập nhật lại thường xuyên. Đặc biệt ở giai đoạn chuẩn bị dự án để ra quyết định đầu tư cần phải nhận dạng đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra trong cả vòng đời dự án. Giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng công trình xem xét các rủi ro ảnh hưởng tới chi phí đầu tư xây dựng công trình. Giai đoạn vận hành, khai thác dự án cần nhận dạng các rủi ro ảnh hưởng tới chi phí quản lý vận hành dự án, các chí phí sản xuất, thu nhập hàng năm (Dự án sản xuất kinh doanh).

Giai đoạn chuẩn bị dự án, rủi ro thường xảy ra liên quan tới vấn đề về thông tin dữ liệu điều tra phục vụ tính toán dự án, thời gian thực hiện quá trình chuẩn bị dự án, căn cứ pháp lý của dự án…Giai đoạn đầu tư xây dựng rủi ro có thể xảy ra nhiều từ môi trường tự nhiên, thị trường xây dựng, thủ tục hành chính pháp lý trong đầu tư và xây dựng, tổ chức và thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình… Giai đoạn vận hành khai thác dự án rủi ro xảy ra ở mức độ phức tạp hơn, phát sinh từ các môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới các yếu tố thị trường đầu vào, đầu ra, tổ chức quản lý sản xuất, duy trì hoạt động quản lý khai thác dự án trong các năm phân tích hoạt động. Những sai sót ở giai đoạn trước cũng là nguyên nhân phát sinh rủi ro ở các giai đoạn sau của dự án. Các công cụ, kỹ thuật để nhận dạng rủi ro cũng đa dạng, được sử dụng kết hợp từ các phương pháp phân tích hoạt động, thống kê kinh nghiệm kết hợp dự báo, điều tra lấy ý kiến chuyên gia… Kết quả nhận dạng rủi ro nhằm xác định nguồn gốc phát sinh, phạm vi tác động, các dữ liệu liên quan tới khả năng tồn tại và phát triển các rủi ro.

- Thứ hai, thực hiện đo lường, đánh giác tác động của rủi ro tới hiệu quả đầu tư của dự án, khả năng thành công của dự án khi có tác động của rủi ro. Như các phân tích nêu trên, với các dự án đầu tư xây dựng công trình, đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính của dự án cần đặt trọng tâm xem xét. Hiệu quả kinh tế - tài chính của dự án được xác định trên cơ sở các chi phí đầu tư xây dựng công trình, chi phí vận hành, khai thác dự án, thu thập của dự án. Các rủi ro tác động nhiều mặt và ảnh hưởng đến trực tiếp tới các yếu tố này (Chất lượng giá cả, khả năng phục vụ, sức mua, thời gian…). Do vậy đo lường, đánh giá tác động rủi ro tới hiệu quả dự án là công việc phức tạp, nhìn chung phải kết hợp các phương pháp định tính với các phương pháp định lượng. Các phương pháp định tính được hình thành và phát triển đồng thời với sự phát triển của khoa học công nghê, với sự hỗ trợ rất quan trọng của toán học, tin học như: lý thuyết về toán xác suất thống kê, dự báo, phân tích, tổ hợp, các chương trình phần mềm ứng dụng… Tuỳ thuộc vào khả năng áp dụng, điều kiện cụ thể của dự án, dữ liệu dự báo thống kê và tính chất quy mô của dự án để sử dụng các phương pháp định lượng, cụ thể như: Phân tích các kịch bản để xác định giá trị dự kiến (dạng bảng và dạng cây), phân tích độ nhạy có tính xác suất, phân tích mô phỏng… Bằng việc sử dụng phương pháp định lượng để đánh giá rõ khả năng đạt được hiệu quả của dự án trong điều kiện có tác động rủi ro. Kết quả đo lường rủi ro sẽ giải quyết một trong những vấn đề phức tạp nhất trong quản lý rủi ro, đó là xác định rõ và thấy trước các nguy cơ hoặc cơ hội có thể đạt được của dự án. Sơ đồ dưới đây có thể minh hoạ cho quá trình rủi ro đối với dự án đầu tư xây dựng công trình.

- Thứ ba, tiến hành các hoạt động kiểm soát, hạn chế tác động xấu của rủi ro để đảm bảo hiệu quả đầu tư đặt ra của dự án. Kế hoạch kiểm soát rủi ro được thực hiện đồng thời với nhiều biện pháp từ việc chủ động dự phòng các nguồn lực bất hợp lý để đối phó với những rủi ro, chủ động né tránh đến chia sẻ trách nhiệm gánh chịu rủi ro, ứng phó tích cực, kịp thời khi rủi ro xảy ra… Một số biện pháp thường áp dụng trong các dự án như: các biện pháp trong hợp đồng kinh tế, bảo hiểm, xây dựng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn, đa dạng hoá theo dịch vụ, sản phẩm dự án, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm rủi ro và xử lý rủi ro… Trên thực tế, các nghiên cứu về rủi ro đối với dự án đầu tư xây dựng công trình đang được quan tâm, phát triển và có vai trò rất quan trọng để quản lý dự án có hiệu quả.

3. Kết luận

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của vấn đề quản lý rủi ro đối với dự án đầu tư xây dựng công trình nên thời gian qua Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về: Nghiên cứu rủi ro khi đánh giá về hiệu quả tài chính của dự án đầu tư. Đề tài nghiên cứu này thuộc Chương trình Hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ Việt Nam - Bulgari. Thông qua hợp tác với bạn chúng ta đã tiếp cận được xu hướng và các phương pháp nghiên cứu về vấn đề rủi ro từ các nước tiên tiến trên Thế giới. Đề tài đã tập trung nghiên cứu đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình ở Việt Nam hiện nay. Những nội dung được trình bày tóm tắt trong bài viết này, được nhóm tác giả của đề tài nghiên cứu, phân tích, trình bày đầy đủ, toàn diện, cụ thể, có kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong báo cáo chi tiết kết quả nghiên cứu đề tài. Đặc biệt, nhóm tác giả đã nghiên cứu, áp dụng thành công phương pháp phân tích mô phỏng (có sử dụng chương trình ứng dụng hiện hành của Mỹ) để đánh giá tác động rủi ro tới hiệu quả tài chính của một số dự án đầu tư sản xuất xi măng, dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao tại buổi bảo vệ kết quả đề tài ngày 19/12/2014 và khuyến nghị áp dụng rộng rãi kết quả đề tài vào thực tiễn hiện nay ở nước ta

Liên hệ tư vấn:

CÔNG TY CP TV ĐẦU TƯ VÀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG

Địa chỉ: Số 28 B Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Q 1, TPHCM

Chi nhánh: 2.14 Chung cư B1,số 2 Trường Sa, P 17, Q Bình Thạnh, TPHCM

ĐT: (028) 35146426 - (028) 22142126  – Fax: (028) 39118579 - Hotline 090 3649782

Website: www.khoanngam.com;  www.lapduan.info;

Email: nguyenthanhmp156@gmail.comthanhnv93@yahoo.com.vn

minhphuong corp

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha